Lượt xem: 1134

Ông Thạch Soal - người giữ màu xanh cho rừng phòng hộ

Thấm thía lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, thời gian qua, ông Thạch Soal, ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu luôn ý thức tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển.

    Nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người, thời gian qua, phong trào trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã lan tỏa rộng khắp, nhất là ở các địa phương ven sông, ven biển đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng. Trong số đó, mô hình Đồng quản lý rừng ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu là mô hình đầu tiên của tỉnh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) hỗ trợ thành lập từ năm 2008 đã thu hút hơn 200 người dân ở khu vực ven biển tham gia cùng chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm trong việc bảo vệ và phát triển rừng.


Nhận thức được tầm quan trọng của rừng phòng hộ nên ông Soal luôn quan tâm bảo vệ rừng. Ảnh Thiện Hải

 

    Để mô hình trên hoạt động hiệu quả, là Trưởng nhóm, ông Thạch Soal đã tích cực vận động, tuyên truyền các quy định pháp luật đến các thành viên thực hiện đúng quy chế của nhóm. Theo ông Thạch Soal, các hoạt động sinh kế của người dân ven biển ở ấp Âu Thọ B vốn phụ thuộc lớn vào rừng, bởi phần lớn đồng bào Khmer nơi đây sinh sống từ việc khai thác thủy sản dưới tán rừng phòng hộ.

    Hiện nay, từng cây đước, cây mắm lớn lên, phủ xanh cánh rừng phòng hộ đã giúp ngăn chặn sự xâm thực của sóng biển và bảo vệ việc sản xuất, sinh hoạt của bà con trong ấp. Ít tai biết rằng, hơn 20 năm trước, khi chưa có mô hình Đồng quản lý, dãy rừng cách khu dân cư ở ấp Âu Thọ B hơn 100m hiện giờ chỉ là biển nước mênh mông, khi triều cường dâng cao, sóng đánh vô rẫy màu, vô nhà dân gây nhiều thiệt hại. Khi Nhà nước phát động phong trào trồng và bảo vệ rừng, chính ông Thạch Soal đã mạnh dạn tham gia, nhiều người dân trong xóm khi ấy hay tin trồng rừng ngoài biển thì “bán tín bán nghi” cho rằng cây sẽ khó mà sống nổi. Thế nhưng, qua nhiều đợt tham gia trồng rừng cùng ngành chức năng, cây bắt đầu phát triển tốt, tán rừng ngày càng phủ xanh, nguồn lợi thủy sản bắt đầu sinh sôi nảy nở thì ông Soal cũng chứng minh cho người dân thấy công sức trồng rừng bỏ ra không hề lãng phí.

    Chỉ tay ra phía bên ngoài đê, nơi cánh rừng phòng hộ đang phát triển xanh mướt. Ông Soal cho biết, từ khi rừng được trồng mỗi năm càng dầy thì người dân trong khu vực cũng được hưởng lợi nhiều hơn, lúc triều cường dâng cao kéo theo các nguồn lợi hải sản trú ngụ nơi tán rừng, thành viên của nhóm Đồng quản lý cũng được khai thác nguồn lợi này để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, không phải tùy tiện khai thác, tùy theo từng khu và từng tháng trong năm mà các thành viên được phép bắt các loài hải sản và nhặt củi khô theo quy chế đã được đưa ra.

    Ngày trước, vì thiếu chất đốt nên người dân địa phương vào rừng để đốn củi khiến tán rừng bị hao hụt. Ông Soal nghĩ bụng, nếu cứ thế này, cây trong rừng sẽ nhanh chóng thưa thớt và sẽ khó che chắn được nước biển xâm thực, bảo vệ làng quê trước những ngọn sóng, cơn gió lớn. Với vai trò trưởng nhóm của mô hình Đồng quản lý, ông tổ chức họp để vận động người dân chỉ nên lấy củi khô để bảo vệ tài nguyên nơi này và khai thác thủy sản một cách hợp lý hơn.

    Ông Soal chia sẻ: “Lúc đó tôi nhắc lại quá khứ trước đây để bà con hiểu rằng, mình sống ven biển mà lại không giữ được rừng, nếu có triều cường dâng lên như mấy chục năm trước thì chúng ta là người gánh chịu hậu quả nên phải cố gắng bảo vệ rừng”. Những hành động này với ông, đó là niềm vui và còn là trách nhiệm của người dân sinh sống nơi đây như lời Bác Hồ từng dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” mà ông đã thấm thía từ lâu.


Ông Soal tuyên truyền, vận động thành viên trong nhóm Đồng quản lý cùng nhau bảo vệ rừng. Ảnh Thiện Hải

 

    Năm nay, đã ngoài 70 tuổi, tuy không còn tham gia trồng rừng như những năm trước nữa nhưng lão nông người Khmer với dáng người rắn rỏi, nước da sạm màu nắng gió vẫn còn góp sức cùng ngành chức năng bảo vệ rừng. Thông qua việc duy trì hoạt động của nhóm Đồng quản lý, ông Soal vẫn tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Theo ông Soal, bà con ở đây đã coi rừng phòng hộ là nơi chở che cho gia đình và người dân trong xóm ấp, nên ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên luôn được gắn với các hoạt động sinh kế, đây cũng là một trong những mục tiêu mà mô hình Đồng quản lý đã hướng đến. Nêu gương cha, con trai ông Soal cũng tham gia vào Tổ Bảo vệ rừng để cùng với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng xâm chiếm đất rừng cũng như các hoạt động khai thác trái phép khác.

    Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải - Nguyễn Thanh Toàn cho biết, thời gian qua, chú Soal luôn được bà con trong ấp tín nhiệm, gương mẫu thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước, nhất là việc bảo vệ rừng. Dù hiện nay nhóm Đồng quản lý không còn được hỗ trợ nhiều hoạt động sinh kế như trước, nhưng ý thức trách nhiệm chung của bà con trong việc bảo vệ rừng vẫn được duy trì tốt.

    Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng môi trường sống trong lành cho nhân dân. Người luôn nhấn mạnh vai trò của trồng rừng và khuyến khích nhân dân trồng nhiều cây xanh. Lời động viên và kêu gọi nhân dân tích cực trồng cây để bảo vệ môi trường sống của Bác hiện vẫn vẹn nguyên giá trị, đặc biệt là trong thời điểm biến đổi khí hậu diễn ra khó lường như hiện nay.

Thiện Hải



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 7995
  • Trong tuần: 78,702
  • Tất cả: 11,802,022